Chuỗi bài viết về workout là nơi mình lưu lại một vài thành tựu nổi bật, và chia sẻ các bài học mình rút ra được từ quá trình hình thành một thói quen tập luyện mới.
Bài viết trước
*Bài viết có gắn link affiliate một số cuốn sách mình đọc.
*Bài viết có chứa hình ảnh phần thân trên của mình ở phần 3 🫣
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những kiến thức đã học được sau hơn 1 năm tập workout (từ tháng 03 2023).
Các bạn có thể làm theo nếu thấy phù hợp, đặc biệt là với người mới bắt đầu.
1/ Thời điểm phù hợp nhất là “Bây giờ”.
Nếu chưa đi tập, đừng mất quá nhiều thời gian để quyết định. Hãy cứ đi tập, tập bất cứ thứ gì, theo bất kỳ hình thức nào.
Thật sự đấy, nếu đã xác định cần tập luyện để nâng cao sức khoẻ thì tập gì cũng được. Cái bạn cần là thói quen tập luyện, để xây dựng thói quen thì việc đầu tiên cần làm là “bắt đầu”.
Nhiều người mải mê xem các nội dung của fitness influencers mà quên mất việc đó không giúp ích gì mấy cho việc thay đổi thể trạng của bạn, trừ khi bạn thật sự vận động.
2/ Tiền không trực tiếp tạo ra kết quả
Không thể phủ nhận, tiền có vai trò quan trọng trong tập luyện. Tiền ảnh hưởng tới tất cả các khía cạnh của cuộc sống, dù ít hay nhiều đều chi phối các lựa chọn của bạn.
Bạn cần chi trả cho các dịch vụ, tiện ích tập luyện như mua thẻ tập, thuê PT, mua quần áo và giày tập,…
Mức chi tiêu cho thực phẩm có xu hướng tăng dần do bạn quan tâm nhiều hơn tới chế độ ăn uống.
Vì đi tập nên thời gian kiếm tiền, nghỉ ngơi giảm xuống, bạn phải sắp xếp lịch trình tối ưu hơn nếu muốn duy trì lịch tập luyện và mức thu nhập ổn định.
Để lập budget tập luyện, cần cân nhắc 1 số yếu tố sau:
📍 Điều kiện tài chính tốt là một lợi thế lớn
Nhiều khi việc tập luyện không khó, chỉ là bạn không giải quyết được các vấn đề phát sinh xoay quanh việc đi tập. Tiền là chìa khoá giúp giải quyết các vấn đề sau:
Chọn nơi tập phù hợp về khoảng cách đi lại, cơ sở vật chất, trải nghiệm tập luyện.
Nhiều người bỏ cuộc vì đi tập quá xa nhà hoặc chỗ làm.
Các trải nghiệm không tốt về bạn tập, bất tiện trong việc thay đồ, gửi xe và một tỷ thứ trải nghiệm khác cũng khiến việc tập trở nên khó khăn hơn.
Thuê Personal Trainer (PT): Mình có nói về việc chọn thầy rất quan trọng trong bài viết trước, người chỉ dẫn ngoài cho bạn phương pháp tập phù hợp còn giúp bạn tôi luyện ý chí rèn luyện. Giải pháp này sẽ có ích nếu:
Bạn loay hoay khi bắt đầu, thiếu kiến thức, không biết nên tập gì cho phù hợp.
Bạn bị chững lại sau 1 quá trình tập luyện, cảm thấy không có tiến triển hoặc không còn đủ động lực đi tập.
Bạn đi tập “một mình” và cảm thấy đơn độc trong hành trình đó.
Mua thực phẩm, hoặc các sản phẩm bổ trợ: Những gì bạn tiêu thụ có ảnh hưởng lớn tới kết quả của quá trình chuyển đổi. Vậy nên chế độ dinh dưỡng tốt chắc chắn sẽ tăng hiệu quả tập luyện.
Ngoài các ví dụ trên, có rất nhiều cách để sử dụng tiền như 1 công cụ hỗ trợ, tuỳ vào điều kiện tài chính và mục tiêu tập luyện.
📍 Mặt khác, nếu không có tiền, bạn vẫn có thể có kết quả tập luyện tốt
Nếu tài chính không dư giả thì cũng chẳng sao cả. Đối với mình, tiền chỉ đem tới sự tiện lợi khi xây dựng thói quen tập luyện. Bởi vì thói quen mới là thứ trực tiếp tạo ra kết quả, nên quan trọng hơn hết bạn cần học cách rèn luyện kể cả trong các trường hợp khắc nghiệt mà đáng ra có thể dùng tiền giải quyết. Nói cách khác, hãy tập theo cách của người không có tiền.
Chọn công viên hoặc nơi tập công cộng: Mình chọn street workout với các bài tập cơ bản như chống đẩy, kéo xà và squat. Như vậy, mình chẳng cần thiết bị gì nhiều ngoại trừ 1 chiếc xà, còn lại mình dùng chính sức nặng cơ thể để thay thế cho tạ. Ngoài tiền lẻ gửi xe thì mình không mất chi phí thuê phòng, cũng chẳng cần phòng tắm hay thay đồ gì luôn.
Chủ động kết nối và học hỏi từ những người đi trước: Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm sự trợ giúp thông qua việc làm quen và bày tỏ mong muốn được học hỏi. Hãy học cách tạo ra các mối quan hệ có giá trị bằng cách cho đi và nhận lại, đừng coi việc thuê PT như việc buôn bán trao đổi vật chất đơn thuần. Hãy kết nối, làm bạn với mọi người xung quanh chỗ tập, cả dân chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, việc này đem lại động lực, niềm vui không chỉ cho bạn mà tất cả mọi người.
Như mình tập ở công viên thì mình cởi trần đi dép :))))) Vậy là đỡ 1 khoản mua quần áo và giày tập. Mặc dù nhìn ảnh check-in gương phòng gym trên mhx cũng ngầu và boost tinh thần phết, nhưng mà tập kiểu bụi bụi phong trần cũng có cái thú vị.
Anw, việc tập luyện cốt nằm ở việc duy trì được thói quen và lịch đều đặn. Theo cuốn Chủ nghĩa Khắc kỷ, nhiều khi con người cần chủ động đưa bản thân vào các tình huống ngặt nghèo để tăng mức độ chịu đựng. Việc hạn chế ngân sách cho tập luyện, bạn buộc phải lập một kế hoạch tối ưu nhất. Ban đầu sẽ khó khăn, nhưng một khi vượt qua rồi thì bạn sẽ quen với nó, đấy chính là cách thói quen được hình thành.
Về xây dựng thói quen, bạn có thể đọc thêm cuốn Atomic Habits của James Clear.
3/ Tin vào quá trình
Một năm tập luyện khi nhìn lại đối với mình là một khoảng thời gian đủ dài để mình có thể căn cứ đoán định tương lai. Khi chưa bắt đầu thì tương lai đó rất mù mờ, nhưng từng ngày tập luyện trong suốt 1 năm qua đã cho mình cái “sense” về kết quả sẽ đạt được nếu mình tiếp tục duy trì việc tập luyện như hiện tại.
Mình có 1 số điều rút ra được như sau:
🔥 Mình tin tưởng 100% về quyết định đi tập
Mình không còn phải phân vân xem có nên đi tập hay không nữa. Giống như ăn cơm hay đi ngủ, mình biết chắc chắn mình phải đi tập như một phần tất yếu.
Trước mình từng lo lắng là đi tập mệt quá dẫn tới mất sức hoặc gây hại cho cơ thể, ảnh hưởng tới công việc. Nhờ bền bỉ bám vào 1 niềm tin “cứ tập đi thì sẽ khoẻ”, mình đã được chứng kiến sự cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mặc dù tập về muộn, nhưng sang ngày mới mình có rất nhiều năng lượng, hiệu suất công việc tốt hơn, sáng tạo hơn. Khi uể oải mất tinh thần, mình mau chóng phục hồi.
Giống như cảm giác chán ăn, nhiều lúc mình cũng chán tập. Nhưng mà bạn không thể vì chán ăn mà bỏ bữa được, tập cũng như vậy, nếu bỏ sẽ ảnh hưởng xuất tới sức khoẻ. Kể cả trời mưa mình vẫn vác xác ra công viên và bắt nó vận động theo đúng mục tiêu của buổi tập. Thứ mình xây dựng không chỉ là cơ bắp, mà còn là một tinh thần cứng rắn.
🔥 Mình nhìn ra được tiến trình phát triển
Mình đã nghe và đọc quá nhiều về việc tích luỹ 1% phát triển mỗi ngày dựa theo cuốn Atomic Habits, nhưng trăm nghe không bằng một thấy.
Từng chuyển biến trong cơ thể của mình đều có thể nhìn thấy được. Hiện tại con số chống đẩy kỷ lục mình làm được là 600 cái chống đẩy dưới đất trong vòng 1 buổi tối. Mình từng nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ làm được 100 cái chống đẩy trong 1 ngày (đã thử và fail).
Đương nhiên, để đạt tới mức sức mạnh hiện tại mình phải trải qua một quá trình dài từ những bài tập có độ khó tăng tiến phù hợp với thể trạng. Mỗi bài tập được thiết kế để bồi đắp sức chịu đựng của cơ bắp, làm cho nó khoẻ lên, chịu được tải lực nặng hơn, nhiều hơn qua thời gian.
Sơ lược các bước để mở khoá ngưỡng sức mạnh mới:
Xác định ngưỡng hiện tại
Xác định mục tiêu hướng tới
Tiến hành từng bước vươn tới mục tiêu
Ví dụ:
Hôm nay mình làm được 300 cái chống đẩy là hết sức, không thể làm thêm.
Hôm sau mình bắt buộc đặt mục tiêu phải cao hơn do cơ thể đã quen với mức cũ. Mình có thể (1) Tăng số lên, 350 chẳng hạn; (2) Làm trong thời gian ngắn hơn, 300 cái trong vòng 20’ thay vì là 30’; (3) Kết hợp thêm bài chân để triệt tiêu sức mạnh dẫn tới 300 cái trở nên nặng hơn buổi trước; (4) Tập thêm bài đẩy nhưng ở mức độ nhẹ hơn, 300 cái chống đẩy dốc tay trong cùng thời gian của bài chính;…. Như vậy, mục tiêu mình đặt ra đòi hỏi nhiều sức mạnh hơn ngưỡng mình từng có nhưng vẫn có thể chinh phục được, dẫn tới sức mạnh của cơ bắp sẽ được bồi đắp.
Thực hiện và ghi nhận những thay đổi, từ đó thiết lập tiếp các mục tiêu dự vào kết quả thực tế của buổi tập.
Nắm được nguyên lý trên, khi nhân sinh quan thay đổi thì mình bắt đầu nghi ngờ những giới hạn mà tâm trí mình đặt ra và liên tục thử thách bản thân vượt lên phía trước.
Nếu bạn muốn nghe câu chuyện về những chuyển biến của mình, thì hãy comment cho mình biết nha.
4/ Hãy chia sẻ câu chuyện tập luyện
Việc chia sẻ có rất nhiều giá trị, đặc biệt nó giúp bạn củng cố niềm tin, xây dựng bản ngã.
Mình chia sẻ rất nhiều với những người xung quanh về triết lý tập luyện mình theo đuổi, về những chuyển biến trong cơ thể của mình. Một phần vì mình tự hào, một phần vì càng làm vậy mình càng có động lực để đi tập và chinh phục những mục tiêu lớn hơn.
Khi identify là một người tập luyện và có lối sống healthy, thì bạn sẽ hạn chế làm những việc đi ngược lại làm phá hỏng hình tượng đã xây dựng trước mắt mọi người. Đây là một mẹo tâm lý khi cái tôi được hình thành, nó sẽ làm hết sức để bảo vệ cái tôi đó.
Mặt khác, khi việc tập luyện thật sự hiệu quả đối với mình, mình nghĩ chia sẻ cũng là cách mình giúp mọi người tìm ra giải pháp tập luyện phù hợp, đặc biệt là người mới bắt đầu.
Ngoài ra, chia sẻ cũng là một cách học. Phải tới một độ ngấm nhất định, những gì mình chia sẻ ra mới trở thành sự đúc rút ý nghĩa, không sáo rỗng. Nhiều bài học không phải học một lần là xong, bạn cần phải thực sự nghiền ngẫm để hiểu. Bạn phải thực hành đủ nhiều và ứng dụng nó linh hoạt để giải quyết các vấn đề trong tập luyện và cuộc sống.
Tạm kết
Trên đây là 4 bài học mình rút ra được sau 1 năm đi tập tại bãi xà công viên Thống Nhất.
Nếu đã đọc tới đây, mình cảm ơn bạn đã quan tâm tới nội dung mình chia sẻ. Rất mong nó có ích với bạn.
Thật sự, để nói về việc mình đi tập thì mình có thể dành cả ngày để nói. Mình sẽ tạm kết thúc bài viết ở đây, chuỗi bài viết về workout vẫn còn dài nên mình sẽ chia sẻ thêm ở các bài viết sau.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc hay đóng góp nào, hãy bình luận ở bên dưới, hoặc reply email này, mình sẽ phản hồi.
Vậy nha, chúc chúng ta cùng nhau phát triển.
@thebachnx