Khi nào nên bước tiếp?
Một cách làm giúp hạn chế lựa chọn rủi ro và đưa ra phán đoán lý tính hơn.
Bạn có bao giờ lưỡng lự trước quyết định “đi hay ở”, kiểu như:
Tiếp tục hay chấm dứt một mối quan hệ
Ra trường làm trái ngành thay vì làm thứ mà mình cũng “chẳng thích mấy”
Triển khai tiếp hoặc dừng giữa chừng một dự án
Nếu mọi chuyện thực sự tốt thì bạn đã chẳng phải làm khác đi. Phải có một nguyên cớ nào đó khiến bạn muốn thay đổi mục tiêu và rơi vào trạng thái phân vân. Có thể là do mối quan hệ có dấu hiệu độc hại, càng ngày bạn càng không thỏa mãn về công việc, hoặc dự án không còn tiềm năng như kỳ vọng ban đầu.
Việc từ bỏ tốn rất nhiều thời gian và tâm trí để đưa ra quyết định. Ngoài lý do để từ bỏ, ta còn phải tìm lý do để không từ bỏ.
Một trong các lý do phổ biến thường được đưa vào để cân nhắc đó là: “Mình đã bỏ vào đó rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc,… nếu bỏ đi thì thật uổng”.
Ai trong chúng ta cũng vậy, từng vin vào cái cớ rằng ta đã “mất” rất nhiều để tiếp tục follow theo lựa chọn ban đầu và chẳng có sự thay đổi nào xảy ra.
Đôi khi, ta còn lấy “lý do mình bắt đầu” ra để loại bỏ ý định bỏ cuộc.
Phần lớn trường hợp, đây không phải là một lý do thỏa đáng. Hiện tượng này một lỗi tư duy có tên gọi là “Sunk cost fallacy”.
Sunk cost fallacy là gì?
“Sunk cost fallacy" là một thuật ngữ chỉ một hiện tượng tâm lý phổ biến khiến cho chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy của quyết định không tối ưu.
Ta mắc bẫy khi các quyết định của ta dựa trên những gì đã "đã chìm nghỉm, biến mất" (sunk cost) - tức là số tiền, thời gian và công sức đã đầu tư trước đó - thay vì xem xét các lợi ích thực sự và tương lai của hành động.
Thường xuyên, cảm giác tiếc nuối và hối tiếc về những gì đã đầu tư làm cho chúng ta đắm chìm trong sự hiểu lầm, dẫn đến việc tiếp tục đầu tư mà không có lợi ích rõ ràng.
Sự nguy hiểm của sunk cost fallacy
Việc rót tiền và nỗ lực vào quá khứ không nên là lý do duy nhất để tiếp tục đầu tư trong tương lai. Thực tế, việc tiếp tục đầu tư mà không đem lại lợi ích thực sự chỉ dẫn đến lãng phí thêm tiền bạc và thời gian quý báu.
Thay vì cố gắng giữ cho dự án hoặc công việc đi tiếp mặc cho mọi tín hiệu tiêu cực, chúng ta cần có cái nhìn lý trí hơn và cân nhắc các chỉ số thực sự cho thấy hiệu quả của việc tiếp tục đầu tư.
Mình đã học được bài học này khi đang nghiên cứu đầu tư vào cổ phiếu, vậy mới biết mình chưa phù hợp với bộ môn này. Chả là, dù đã đặt ra quy tắc cắt lỗ, khi cổ phiếu giảm điểm một cách đáng kể, mình vẫn cảm thấy hối tiếc về số tiền đã rót vào và hy vọng rằng giá cổ phiếu sẽ phục hồi. Kết quả là quyết định không tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ đã khiến tôi không có vốn để tận dụng cơ hội phục hồi bằng cách đầu tư vào những cơ hội mới với hiệu suất tốt hơn. Điều này là một bài học quý giá, nhấn mạnh rằng việc làm quyết định dựa trên cảm xúc thay vì lý trí có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Vì sao ta có kiểu tư duy đó?
Đây là một dạng nhận thức phi lý tính cơ bản vì chẳng ai lại không tiếc tiền hoặc thời gian. Thời gian là vàng, còn đồng tiền thì đi liền với khúc ruột. Không ai có thể tránh khỏi sự buồn bã khi phải đối diện với việc mất mát về mặt tài chính hoặc thời gian, hai nguồn tài nguyên quý báu của cuộc sống.
Hơn nữa, việc đồng thuận với nỗi tiếc nuối này làm chúng ta cảm thấy nhất quán hơn. Chúng ta không muốn tự vả vào mặt khi phủ nhận những quyết định của mình trong quá khứ. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến sự uy tín của bản thân.
Bạn không sợ thất bại, bạn sợ cảm giác thất bại mang đến.
Rất khó để tự chối bỏ chính mình. Vì thế, bạn tiếp tục dự án thay vì bỏ giữa chừng để trì hoãn sự khó chịu đến từ việc phải phủ nhận bản thân.
Suy nghĩ lý tính hơn
Giờ bạn đã có nhận thức về tác hại của lỗi tư duy này, hãy để ý kỹ hơn vào quá trình đưa ra quyết định.
Mặc dù vẫn có lý do tốt khác để chọn sự duy trì nhưng hãy nhớ gạt những lý do gây nhiễu và không đáng tin ra khỏi quá trình phân tích.
Nãy lấy ví dụ về đầu tư tài chính rồi, giờ mình sẽ lấy ví dụ về tham gia dự án đi vì mình chưa có mối quan hệ nào độc hại cả 🫣
Nhớ lại hồi đại học, mình tham gia khá nhiều tổ chức và dự án sinh viên. Năm nhất năm hai thì khá vui và bổ ích vì mình học hỏi được nhiều điều mới.
Tới sát năm 3, mình muốn dành thời gian để đi làm và tạo ra nhiều giá trị “thực tiễn” hơn ví dụ như tạo ra thu nhập xứng đáng thay vì làm “không công”, xây dựng lộ trình sự nghiệp bền vững và có thêm những mối quan hệ tốt giúp mình phát triển.
Với các tiêu chí như vậy, mình đành phải rời câu lạc bộ và vai trò part-time ở 1 số dự án. Mặc dù mình đã gắn bó tương đối lâu, công việc vui vẻ, và được tin tưởng giao phó nhiều trọng trách, nhưng ai rồi thì cũng phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Hehe!
Làm quen với việc từ bỏ
Từ bỏ hoàn toàn có thể tốt. Câu chuyện về việc “giành chiến thắng vì không từ bỏ” tạo nên một rào cản tâm lý cho con người thời hiện đại, đặc biệt cho những ai chưa nhận thức đủ sâu về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống
Từ bỏ đôi khi rất đơn giản, nhưng lại không hề dễ .
Để ý về Sunk cost fallacy sẽ phần nào hạn chế đưa ra các lựa chọn rủi ro, từ đó hình thành khả năng phán đoán một cách lý tính hơn. Điều này giúp đảm bảo chúng ta đầu tư vào những điều có giá trị thực sự và đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Hy vọng kiến thức trên sẽ hữu ích đối với bạn. Chúc chúng ta cùng nhau phát triển.