Đừng vội né tránh mọi vấn đề trong cuộc sống 💖
Một cuộc sống chất lượng được hình thành từ những vấn đề có ý nghĩa.
Cuộc sống, cơ bản là đi giải quyết các vấn đề 🌱
Trong mỗi chúng ta, tồn tại một cơ chế giúp sinh tồn và phát triển: Cơ chế giải quyết vấn đề.
"Vấn đề" có thể là một task, một bài toán, một quyết định, một chiếc deadline hay bất cứ cột mốc quan trọng nào trong cuộc đời. Đặc điểm chung là chúng tiêu tốn năng lượng và thời gian để giải quyết.
Ví dụ như chuyện học thuật. Gần 1 nửa thanh xuân của ta được dùng trong trường học. Học, học nữa, học mãi, càng ngày chúng ta càng học lên cao hơn. Chưa cần đi làm, phục vụ những ông sếp trong trường đã mệt lắm rồi. “Ông sếp” mình đang ám chỉ ở đây là bài tập, báo cáo, bài thuyết trình và căng thẳng nhất là chuyện thi cử. Đối mặt với những vấn đề này, ta buộc phải tìm cách để vượt qua, sẩy chân cái học lại thi lại như chơi.
Cuộc sống cũng vậy, ta phải đối phó với vô vàn vấn đề hoặc các quyết định khác nhau để tới cái đích mà ta mong muốn. Nếu không, chúng sẽ gây ra những phiên toái, cản trở ta tiến lên hoặc thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của chúng ta.
Biểu hiện thường thấy:
Mỗi ngày, ai cũng phải (kiếm) ăn và tổ chức cuộc sống. Đi học, đi làm, ăn uống, mua sắm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa,… tất cả đều chiếm một phần trong quỹ thời gian của bạn.
Nếu không đi làm, thì không có cái ăn. Nếu không ăn thì bạn đói, nếu đói thì bạn chết.
Nếu bạn không tổ chức cuộc sống đủ tốt, không có khả năng duy trì và phát triển các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, tình cảm,… khả năng cao bạn cũng sẽ chết (trong cô độc vì bạn chẳng có ai thực sự ý nghĩa ở bên trong cuộc đời cả).
Như vậy, bạn phải tìm cách chiều lòng các “ông sếp” này mỗi ngày bạn sống. Chính các vấn đề đó, dù to dù nhỏ, mới là thứ đang kiểm soát cuộc sống bạn.
Tích cực hơn, các vấn đề này là những trở ngại vốn có. Chúng cần thiết để bạn không bị trì trệ hay ngừng vận động. Bạn bắt buộc phải có những hành động cần thiết để lấy lại quyền làm chủ cuộc đời.
Hãy trở thành “ông sếp” của chính mình.
Sau khi nhận ra rằng mình cần trở nên chủ động và có trách nghiệm hơn với cuộc sống của mình, mình có thể bắt đầu từ việc bổ sung thêm một vài kỹ năng. Giống như học toán vậy, mình cần nắm vững các công thức cộng trừ cơ bản nhưng lại mang tính chất nền tảng.
Những công cụ hữu ích như lập kế hoạch, quản lý thời gian, sắp xếp và ưu tiên công việc,... có thể giải quyết phần lớn các vấn đề mà bạn gặp phải. Các kỹ năng này ngoài cực kỳ dễ thực hiện ra (gạch một vài đầu dòng trên giấy) thì chúng đều dựa trên nguyên lý chung: Hiểu rõ và phân loại được Vấn đề nào thực sự quan trọng và có ảnh hưởng.
Đâu mới là Vấn đề dáng để giải quyết?
Cơ bản Vấn đề nào trên đời cũng có 2 mặt: Tích cực (tốt) và Tiêu cực (xấu). Cái khoảng nhập nhằng ở giữa là do mỗi người tự đánh giá.
Thế nào là Vấn đề tốt?
Vấn đề Tốt luôn đem tới những ảnh hưởng tích cực lên cuộc sống. Hoặc ít nhất, các mặt tốt có nhiều lợi ích lâu dài hơn các mặt xấu.
Ai cũng biết để có cơ thể khỏe mạnh, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Nhưng cái giá phải trả là sự bất tiện, kiên trì, nghiêm khắc với bản thân để duy trì lối sống lành mạnh.
Đối với dân fitness nghiệp dư như mình thì ăn đúng bữa, đúng dinh dưỡng là một cực hình. Bách không thể chịu được cảnh ngày nào cũng phải chuẩn bị 3 bữa, nghĩ tới thôi đã thấy oải.
Sống lành mạnh thì nên chăm đọc sách và lướt mạng xã hội ít đi. Đọc sách được mệnh danh là thói quen dẫn tới thành công, nhưng không phải ai cũng có thể chịu được sự nhàm chán, buồn ngủ để cầm sách lên.
Tham khảo bài viết: Cách mình lựa sách và duy trì việc đọc 📙 | Bách khoa Blog
Thế nào là Vấn đề xấu?
Vấn đề Xấu, ngược lại, là các vấn đề không đem đến cái lợi ích gì đáng kể.
Trên thực tế, chúng ta có xu hướng đâm đầu vào giải quyết chúng nhiều hơn mức cần thiết. Bởi một lẽ, chúng tạo ra sự thỏa mãn, nguyên liệu chính dẫn tới sự nuông chiều cảm xúc thiếu lành mạnh.
Phần lớn thời gian chúng ta làm những việc vô bổ như chơi game, nhậu nhẹt, hút thuốc, thức khuya lướt Tiktok… đều đến từ việc ta đang lảng tránh các mục tiêu quan trọng khác. Thay vào đó, ta tìm đến sự thỏa mãn thoáng chốc để cảm thấy vui và hạnh phúc hơn.
Cũng chẳng sao nếu coi đó là sự “xả hơi” nhẹ. Ai cũng cần nạp năng lượng cho ngày mới sắp đến.
Nhưng bạn hãy thử nghĩ xem, những vấn đề bạn tưởng rằng mình đang “chủ động" giải quyết ấy thực chất là những hành động bộc phát, hứng lên là làm. Bởi vì bạn đã quen với việc đó. Mỗi khi stress, trí óc bạn luôn tự động tìm tới một liều dopamine ăn liền. Hết lần đến lần khác, bạn dần trở nên nghiện cái cảm giác đó.
Bạn đang theo đuổi một thứ mang tên Khoái Cảm (Pleasure) - thứ thường bị nhầm tưởng với sự hạnh phúc chân chính. Trên thực tế, chỉ khi bạn thực sự hạnh phúc, khoái cảm là thứ xuất hiện sau và làm bạn trở nên hạnh phúc hơn.
Kết cục là, thi thoảng bạn sẽ thấy “hối hận” vì dành quá nhiều thời gian cho MXH, cho những thói quen vô bổ, mà bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng giá hơn trong cuộc sống.
4. Mội vài suy nghĩ của mình 🌱
Bắt đầu một dự án kinh doanh, khởi nghiệp thường khó và rất thử thách. Không phải ai cũng sẵn sàng đâm đầu những thứ rủi ro như vậy. Có đầy đủ các số liệu thống kê để ngăn cản bạn đừng làm điều đó:
Gần 90% Startup gặp thất bại;
10% doanh nghiệp không sống nổi sau 1 năm thành lập,…
What Percentage of Startups Fail? 80+ Statistics (2022) (explodingtopics.com)
Tuy nhiên, khi bạn đã quá chán với chốn công sở thì giải pháp này nghe chừng không tệ. Nó rất có thể sẽ là chìa khóa để trả lại một phần tự do cho bạn.
Đối với Bách, mình sẽ chọn khởi nghiệp và làm thứ mình muốn.
Mình quyết định đi theo con đường khoai hơn rất nhiều so với lộ trình thông thường của một sinh viên năm cuối. Thay vì apply thực tập tại doanh nghiệp chỉ định rồi báo cáo tại trường, mình quyết định thử nghiệm với mô hình kinh doanh đầu tiên.
Chiếc Blog này cũng vậy, nó là một dự án cá nhân mà mình ấp ủ từ mới chớm vào đại học. Ước mơ của mình là tạo ra được nhiều giá trị cho mọi người xung quanh.
Để thực hiện mục tiêu này thành công, mình bắt buộc phải học thêm cực kỳ nhiều. Học và học lại để mà vượt qua được vùng an toàn của bản thân.
Mình không dám nói trước về kết quả đạt được. Nhưng mình khá chắc là trên chặng đường đang đi, mình sẽ trở nên trưởng thành và bản lĩnh hơn theo thời gian, theo cách mà mình tự làm chủ.
Lời kết
Bài viết này vừa để cung cấp một vài góc nhìn mà mình thấy thú vị, vừa để tự an ủi bản thân khi phải đối mặt với các Vấn đề phức tạp trong cuộc sống.
Hơn hết, mình nghĩ rằng bài viết sẽ có giá trị với những khán giả của Bách Log, đặc biệt là với những bạn sinh viên đang gặp khó khăn về sự nghiệp, cuộc sống trong tương lại.
Chúc các bạn tìm được vấn đề đáng giải quyết trong cuộc sống!