Nỗi ám ảnh của người làm quản lý
"If you fail to plan, you are planning to fail" - Benjamin Franklin
Châm ngôn này được ưa chuộng bởi các nhà quản lý, bởi họ phải dành nhiều thời gian để "lập kế hoạch".
Có các nguyên tắc để tạo một mục tiêu, kế hoạch hiệu quả như SMART Goals và các mind-set khác nhau trong lập kế hoạch. Công thức được tạo ra giúp bạn có thể đạt được kết quả như kỳ vọng.
Đôi khi, những khuôn mẫu trên trở thành con đao hai lưỡi. Bởi vì chúng gây ra sự ám ảnh. Người quản lý sẽ trở nên cứng nhắc vì phải làm theo quy tắc gò bó và phức tạp.
Khả năng cao, điều này từng trầm trọng hoá nhiều sự việc trong cuộc sống, dẫn tới chủ nghĩa cầu toàn (perfectionism), thứ gây ra nhiều nỗi lo âu, mệt mỏi và thất vọng khi bạn không đạt được một mục tiêu nào đó như ý muốn.
Câu chuyện về chiếc bút
Bút bi viết là một phát minh vĩ đại của loài người mà đến ngày nay, chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng.
Đối với công việc của các nhà du hành vũ trụ đầu những năm 60, khi việc ghi chép chưa tiện lợi như trên máy tính hay điện thoại như ngày nay, họ cần 1 giải pháp hiệu quả để ghi chép lại những thông số, quan sát ngoài không gian.
Các nhà nghiên cứu đã gặp một vấn đề: Ngoài vũ trụ không có trọng lực, vậy thì mực bút sẽ chảy xuống bằng cách nào? Nói cách khác, họ cần sáng chế ra một loại bút viết có thể dùng được ở môi trường không trọng lục.
Do tính chất không trọng lực, việc dùng bút bi viết trở nên không thể.
Các nhà khoa học Hoa Kỳ và Liên Xô đã cùng nhau chạy đua thực hiện các nghiên cứu để tìm giải pháp giúp các phi hành gia có thể "viết được trong điều kiện không trọng lực".
Mỹ là một ông tay to chịu chơi, đầu tư ngân sách khủng cho công cuộc nghiên cứu để rồi cũng chẳng có cải tiến nào được tạo ra. Mặt khác, Liên Xô họ đã rất tài tình tìm ra được một giải pháp vô cùng đơn giản mà lại hiệu quả.
Họ đã dùng những “cây bút chì” - NASA Spent Millions on a Pen Able to Write in Space
Ta đã từng làm rối rắm nhiều tình huống trong cuộc sống bởi chính lối suy nghĩ này. Thật ngớ ngẩn vì đáng nhẽ vấn đề có thể được giải quyết theo một cách "đỡ cồng kềnh" hơn.
Hãy có thói quen sau
Trước khi bắt đầu, hãy tìm ra cách đơn giản nhất để đạt được mục tiêu.
Nếu điều này "dễ dàng" thì nó sẽ trông như thế nào nhỉ?
Một bài kiểm tra được coi là "dễ" nếu như những câu hỏi trong đó nằm trong những kiến thức đã được học. Và còn gì dễ hơn việc làm theo đề cương và những phần được giảng dạy trên lớp, thay vì là thu nạp toàn bộ giáo trình và các tài liệu đọc thêm mà chẳng mảy may hay biết có thi vào hay không.
Những câu đố của cuộc sống không nằm trong ngoại lệ. Đôi khi ta chỉ cần một phương án thử nghiệm MVP (Minimum Viable Product) để thử nghiệm tính khả thi của giải pháp. Nó chẳng có gì màu mè ngoài tính năng khả dụng tối thiểu, thứ trực tiếp giải quyết vấn đề đang gặp phải.
Sai lầm của mình khi mới tập viết
Khi mới bắt đầu viết kênh blog này, mình đã từng phạm phải sai lầm tương tự.
Mình đã dành rất nhiều thời gian để nghĩ tới những chủ đề to tát và cách triển khai từng bài viết như thế nào để truyền tải thông điệp lớn lao đó.
Ý tưởng chỉ là ý tưởng khi không được chắp bút thực hiện.
Sau hơn 2 năm thì số bài được post/xuất bản đếm lại chẳng nhằm nhò gì so với ý định của mình.
Thay vì đầu tư thời gian vào số lượng và chất lượng bài viết (thứ sẽ đem đến thành công cho 1 kênh blog), mình lại quá chú tâm vào hình thức thể hiện: từ lập page nọ page kia, thiết kế website, thiết kế 1 tá thứ ảnh để đăng kèm.
Vậy nên, thay vì đặt những mục tiêu to tát và những kế hoạch đồ sộ hãy:
❌ "Viết một bài blog thật giàu nội dung, nghiên cứu thật kỹ để cung cấp thông tin bổ ích cho bạn đọc, mỗi tuần phải có ít nhất 2 bài, thiết kế thêm 2 cái ảnh,...."
✅ "Mỗi ngày Bách chỉ cần ngồi viết 15ph thôi, vậy là đủ, nhưng phải kiên trì lên. CHỈ CÓ MỖI 15 PHÚT THÔI, 5 PHÚT CŨNG ĐƯỢC"
"Cuộc sống rất đơn giản, khi nó phức tạp thì hãy thử nghĩ theo cách đơn giản hơn".