01 điều mà người tu tập nào cũng cần biết để có thể thay đổi cuộc sống và đạt được những mục tiêu quan trọng
Làm gì để thoát khỏi vòng lặp do những thói quen tiêu cực tạo ra?
Đã bao giờ bạn cảm thấy khổ sở vì cuộc sống bị chi phối bởi những thói quen tiêu cực, nhiều tới mức:
Bạn mất đi sự cân bằng, tự do điều phối và phát triển cuộc sống theo những gì bạn mong muốn?
Dù bạn làm cách nào, bạn vẫn không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào những thói quen mà bạn cho rằng đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn?
Việc cuộc sống lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát làm bạn cảm thấy kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
Mình đã bị như vậy trong khoảng thời gian gần đây.
Chỉ trong vài tháng, mình đã suy sụp một cách nghiêm trọng. Mình rời vào trạng thái mệt mỏi, uể oải và thường xuyên thấy thiếu ngủ.
Trong lòng mình thường trực nỗi bất an, lo lắng và hiện diện nhiều ham muốn.
Mình để ý rằng, càng tìm cách để được thoả mãn, mình càng chìm đắm vào vòng lặp luẩn quẩn: Vì chán nên đi tìm sự khỏa lấp, cho tới một thời điểm sự khỏa lấp đó không còn đủ nữa thì mình phải tiếp nạp thêm những niềm vui mới.
Niềm vui kể cả trong công việc hay cuộc sống đều không làm mình thấy khá hơn. Đến một thời điểm, mình cảm thấy bất mãn toàn tập vì chẳng bao giờ là đủ cả.
Khi giọt nước tràn ly, mình mong cầu sự giải thoát. Mình muốn hiểu vì sao những bất mãn này được sinh ra. Mình cần tìm ra cách thức để phá vỡ vòng lặp của cảm giác không trọn vẹn nhằm hướng tới một cuộc sống an lạc hơn.
Đây là thời điểm mình quyết định theo đuổi con đường tu tập một cách nghiêm túc.
Thay đổi thói quen chính là thay đổi cuộc đời.
Vì con người là giống loài của thói quen, mọi kết quả bạn đạt được trong cuộc sống này đều hình thành từ những thói quen nên để có một cuộc đời trọn vẹn, bạn bắt buộc phải rèn luyện thói quen sống một cách thật trọn vẹn.
Bạn không thể mong chờ kết quả thay đổi nếu như bạn vẫn giữ nguyên cách thức bạn vận hành cuộc sống như cũ. Tu tập chính là công cụ giúp bạn xây dựng lối sống mới phù hợp hơn nhằm giúp bạn đạt được những mục tiêu sống một cách bền vững nhất.
Về xây dựng thói quen, bạn có thể đọc thêm cuốn Atomic Habits của James Clear.
Thói quen hoạt động như thế nào?
Thói quen được hình thành để giải phóng năng lượng cho trí óc của bạn.
Như một phần mềm được lập trình sẵn, thói quen lập tức được kích hoạt ngay khi có đủ điều kiện. Thói quen làm cho tư duy và hành động vận hành tự động, nhằm giúp bạn đạt được kết quả mong muốn nhưng tốn ít năng lượng hơn cho việc suy nghĩ.
Ví dụ như khi bạn đói, cơ thể tạo ra những tín hiệu cảnh báo rằng bạn cần nạp năng lượng và hướng bạn tới hành động ăn uống. Cho tới khi no bụng thì tự động việc ăn dừng lại, mà chẳng cần bạn phải phân tích xem vì sao bạn đã no.
Nếu chú tâm, bạn sẽ thấy mọi thói quen đều là chuỗi tiếp nối của nhiều phản ứng phát ra và phản hồi tín hiệu từ môi trường một cách tự động. Sẽ rất rất khó và đòi hỏi nhiều nỗ lực để bạn nhận ra từng quyết định được cơ thể đưa ra như thế nào. Một khi vòng lặp đã được hình thành, bạn càng khó có thể can thiệp và thay đổi các quyết định đã chọn.
Vì thói quen là cơ chế vận hành dựa vào sự phù hợp của mỗi cá thể nên cần phải xác định rõ, chẳng có thói quen nào là xấu hoặc tốt cả.
Chừng nào bạn còn hài lòng với những kết quả đạt được trong cuộc sống được tạo dựng bởi hệ thống tư duy và xúc cảm, thói quen vẫn có giá trị tích cực lên cuộc đời bạn.
Miễn bạn enjoy nó là được.
Nhưng khi mâu thuẫn xảy ra, đến một ngưỡng khiến bạn cảm thấy khó chịu thì đấy là lúc thói quen trở thành tiêu cực. Để thay đổi và thoát khỏi sự khống chế của thói quen, bạn buộc phải ghi đè lên bằng thói quen mới.
Xác định thói quen nào cần thay đổi
Bạn của hiện tại là sự cộng dồn của ty tỷ thói quen được hình thành và tích luỹ qua thời gian. Ngoài những thói quen dễ thấy và có ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống hàng ngày, còn rất nhiều thói quen ẩn sâu bên trong nội tâm tính cách của mỗi người mà phải để ý rất kỹ mới có thể nhận ra và thay đổi.
Đối với người tu tập, an nhiên có sẵn trong mỗi chúng ta nhưng bị giấu kỹ đằng sau một hệ thống chằng chịt những thói quen, hành vi và thế giới quan được định hình sẵn mang tên “cái tôi”
Họ hiểu rằng, “cái tôi” muốn rất nhiều thứ nhưng trong đó không có hạnh phúc đích thực bởi vì khi bạn thực sự hạnh phúc tức là “cái tôi” biến mất. Điều hài hước ở đây là, “cái tôi” không hề ưa việc bị rũ bỏ.
“Cái tôi” thích và ghét nhiều thứ, nó hướng bạn tới những thứ nó thích và tránh xa những thứ nó ghét. Mỗi khi bạn đáp ứng yêu cầu của nó, bạn nhận được một chút phần thưởng là sự “thoả mãn”.
Con người thường xuyên nhầm lẫn giữa cảm giác “hưng phấn nhất thời” và trạng thái hạnh phúc thực thụ. Từ đó, vì chiều theo cái tôi mà họ bị cuốn vào vòng xoáy tham cầu và lạc khỏi nội tại an nhiên có sẵn.
Mình muốn lấy một ví dụ về sở thích của “cái tôi” đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của mình. Có một khoảng thời gian, mình rất đam mê thức muộn để chơi game hoặc lướt mạng xã hội. Có những hôm mình cầm máy tới 3-4h sáng hoặc thậm chí thức trắng đêm để xem phim.
Đến một thời điểm, thói quen này không còn phù hợp với mình nữa. Mặc dù vậy mình vẫn tiếp tục duy trì nó khiến ảnh hưởng lên sức khỏe và độ tập trung làm việc của mình.
Khổ nỗi, vì thói quen khó bỏ nên không phải mình muốn dừng là được. Một ngày của mình diễn ra như sau:
Chơi điện thoại tới muộn → Ngủ ít
Ngày mới mệt mỏi, kém năng suất → Chán nản
Để giải khuây, mình chơi game → Cảm thấy thoả mãn
Chơi game được một lúc, mình nhận ra sao mình lại dành thời gian thời gian cho thứ vô bổ này nhỉ? → Cảm thấy thất vọng về bản thân.
Trong sự bất lực, không thể làm gì khác, mình tiếp tục chơi tới muộn → Tiếp nối chuỗi ngày khổ sở.
Đấy, đây chính là vòng lặp chết tiệt mà mình đang muốn nói tới.
Không chỉ mỗi game, lướt mạng xã hội, rượu chè nhậu nhẹt hoặc những thú vui khác cũng có thể gây ra những cơn nghiện và hình thành thói quen tiêu cực.
Quá khổ, mình cần phải thoát ra.
Để xây dựng thói quen mới, mình đã áp dụng các bước dưới đây:
Cách xây dựng thói quen (tích cực) mới
Khi bạn lặp lại một việc ít nhất 90 lần thì thói quen mới được hình thành.
Bạn buộc phải sống một cách có ý thức hơn. Ý thức ở đây bao gồm:
Biết tình trạng hiện tại của mình và các vấn đề mình gặp phải
Biết cái đích đến của sự thay đổi
Tiến hành lộ trình thay đổi
Thừa nhận những sự không phù hợp và có mong muốn thay đổi
Bạn phải hiểu rõ hiện tại đang gặp phải vấn đề hoặc thiếu sót gì, và phải thành thực với chính mình nếu bạn thật sự muốn thay đổi.
Vấn đề của mình khi chơi điện thoại quá độ là mình đã không tôn trọng cơ thể dẫn tới mất đi ý thức bảo vệ sức khỏe và năng lượng sống. Thay vì dành thời gian ngủ đủ giấc để sạc năng lượng cho ngày mới, mình chọn nuông chiều sở thích của “cái tôi”.
Để khắc phục, ưu tiên lớn nhất của mình là đảm bảo cơ thể đạt được sự sảng khoái và hưng phấn một cách lành mạnh mỗi khi ngày mới bắt đầu.
Đặt mục tiêu thay đổi
Đặt mục tiêu cụ thể giúp bạn dễ dàng bám sát và đo lường sự tiến bộ.
Bạn cần xác định những điều kiện cần thiết để thay đổi, từ đó đảm bảo thực hiện 100% những gì bạn đề ra.
Để có trạng thái sống lành mạnh, mình đặt các mục tiêu rõ ràng và khả thi, gồm:
Thời lượng ngủ trong ngày phải đảm bảo mức tối thiểu (ít nhất 7 tiếng/ngày).
Ăn đủ bữa để cơ thể không rơi vào trạng thái mệt mỏi do thiếu năng lượng.
Dành nhiều thời gian cho các hoạt động giúp mình phát triển như tập luyện. Mình có chia sẻ hành trình tập luyện của mình ở đây.
Không chơi game, lướt điện thoại quá 12h tối.
Kế hoạch của mình cực kỳ đơn giản: Trong 90 ngày liên tiếp, mình cần ưu tiên hơn hết việc thực hiện các mục tiêu trên.
Kỷ luật = Kiên trì + Tự giác + Liên tục học hỏi
Mình cho rằng kỷ luật không phải là sự gò bó. Ngược lại, vì có kỷ luật mà bạn mới có thể trở nên tự do trong tư duy và cách thức vận hành cuộc sống. Có 2 yếu tố khiến cho việc kỷ luật với bản thân trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn:
Kiên trì: Kiên trì, nhẫn nại với chính bạn cho phép bạn giảm được áp lực, từ đó khiến con đường bạn đi trở nên dễ thở hơn. Bạn có quyền thất bại. Quan trọng là bạn không để những lỗi sai trở thành gánh nắng ngăn cản bạn bước tiếp. Bạn cần sự bền bỉ và dài hơi.
Tự giác: Tự chủ trong suy nghĩ giúp bạn đưa quyết định phù hợp với bản thân, tránh khỏi sự phụ thuộc hoặc ỷ lại vào một người nào đó, hoặc cảm giác nào đó.
Liên tục học hỏi: Thất bại hoặc những gì không như ý chính là bài học của bạn. Hãy luôn chào đón những thách thức, từ đó vận dụng sự sáng tạo để giải quyết những vấn đề bạn gặp phải. Đây chính là dấu hiệu của việc bạn đã tiến về phía trước.
Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy niềm vui trong việc kỷ luật. Bằng việc chứng minh chó não bộ cảm thấy được niềm vui từ các hoạt động tích cực, cơ thể và tâm trí dần thay đổi cách phản ứng, từ đó giảm đi sự lệ thuộc vào các thói quen cũ.
Lời cuối
Ở phần cuối, mình muốn nhấn mạnh lại điều quan trọng nhất của bài viết rằng: muốn thay đổi cuộc sống, cần thay đổi từ thói quen.
Thói quen chính là điều giúp bạn đạt được thành công trong cuộc sống, bất kể định nghĩa về thành công của bạn là gì.
Chặng đường thay đổi thói quen không hề dễ dàng và sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản. Tuy nhiên, với ý chí mạnh mẽ và lộ trình rõ ràng như bạn đã đề ra, mỗi ngày bạn sẽ đến gần hơn với một cuộc sống an lạc và tự do thật sự.
Tu tập là con đường dài và không hề dễ dàng. Để bắt đầu, thay vì cố gắng thay đổi toàn bộ thói quen trong cùng một thời điểm, hãy tập trung vào một hoặc hai điều đầu tiên. Điều này giúp bạn dễ duy trì và không bị quá tải.
Về xây dựng thói quen, bạn có thể đọc thêm cuốn Atomic Habits của James Clear.
Mong những chia sẻ của mình có thể giúp ích cho bạn.
Cảm ơn và chúc chúng ta cùng nhau phát triển!
@thebachnx